Thị trường thiết bị âm thanh và giải trí trong những năm gần đây đã có những bước tăng trưởng cực kỳ mạnh mẽ. Tiêu chuẩn âm thanh chất lượng cao ( hi-res) ngày càng trở nên phổ biến và ưa chuộng hơn bởi số đông người dùng, mang lại sự phát triển nhảy vọt cũng như mức lợi nhuận khổng lồ cho ngành âm thanh. Không còn gói gọn ở MP3, các định dạng âm thanh hi-res mới dần dần chiếm được thị trường người dùng nhiều hơn, tiếp cận đến đại đa số người nghe nhạc trong đó có cả người nghe tầm trung và không chuyên
Trong khoảng 3 năm vừa qua, định dạng DSD đã và đang rất được ưu ái khi được hỗ trợ bởi hàng loại các sản phẩm thiết bị âm thanh mới. Đây là định dạng âm thanh được phát kiến bởi Sony và Philips cho phép xử lý âm thanh với chất lượng cực cao dùng trong sản xuất SACD. Định dạng DSD tiêu chuẩn có mức sample 64 Fs (64 x 44.1 kHz ~ 2.8224 MHz), giờ đây con số này đã lên đến 128 Fs và 256 Fs (hay còn gọi là DSD128 và DSD256). Với mức sample cực cao này, định dạng DSD sẽ có khả năng đẩy phần tín hiệu nhiễu noise lên cao hơn ngưỡng nghe của tai người (trên 60 kHz), vừa tránh méo tiếng vừa giữ được mức chi tiết tối đa cho âm thanh tổng thể.
Gần giống với DSD là DXD, một thiết kế âm thanh PCM với mức 352.8 kHz / 24-bit. Do tín hiệu DSD (1-bit) khá khó xử lý trong phòng thu nên DXD sẽ chuyển đổi DSD sang PCM và xử lý như bình thường, sau đó chuyển lại thành DSD như ban đầu. Cách này nhanh hơn rất nhiều so với xử lý trực tiếp DSD và hầu như không tồn tại khuyết điểm quá lớn nào.
Với xu hướng phát triển hiện nay, ngày càng nhiều thiết bị âm thanh mới hỗ trợ chơi định dạng DSD, tạo thêm đà phát triển cho chuẩn nhạc hi-res mới này. Khá nhiều sản phẩm DAC, ADC hay máy nghe nhạc tầm trung-cao trở lên hiện nay đều có hỗ trợ chuẩn CD (44.1kHz / 16-bit) và DSD lên đến 256 Fs. Phương pháp DoP cho phép truyền tải nhanh DSD cũng đang rất được ưa chuộng, hỗ trợ chủ yếu cho kết nối USB, AES và SPDIF.
Các thiết bị DAC cao cấp mới ra mắt hiện nay đa phần đều được tích hợp chip điều biến sigma-delta multi-bit để xử lý và giải mã chính xác tín hiệu âm thanh trong phạm vi lên đến 64-bit. Các chip mới này còn sở hữu thêm nhiều công nghệ nổi bật như điều tiết mức nhiễu, kiểm soát nhiễu jitter, điều biến xung và triệt tiêu âm không mong muốn dựa trên phương thức xử lý FPGA hay upsample (tích hợp riêng trên chip).
Tập tin âm thanh hi-res hiện nay được truyền tải và phân bố chủ yếu qua mạng internet từ nhiều trang chia sẻ nhạc cả lớn và nhỏ. Tập tin nhạc tải về sở hữu chất lượng từ 44.1 kHz/16-bit, 192 kHz/24-bit đến DSD 64, DSD128 hay cả DSD256 (tuy chưa quá phổ biến). Các định dạng FLAC,WAV và AIFF vẫn chiếm ưu thế khá cao về sự ưa chuộng bởi người dùng. Gần đây, trở ngại về dung lượng truyền tải của nhạc hi-res qua dịch vụ streaming cũng đã được khắc phục với định dạng mới MQA. Định dạng này có khả năng nén và truyền tải âm thanh hi-res hiệu quả hơn, phù hợp với người sử dụng dịch vụ băng thông internet với lưu lượng hạn chế.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy 2 yếu tố chính có ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng phát triển công nghệ âm thanh hiện nay, góp phần hỗ trợ tăng trường cho thị trường âm thanh chung. Yếu tố quan trọng đầu tiên chính là nhu cầu đòi hỏi nhạc chất lượng cao của người nghe tạo thêm động lực phát triển cho các thương hiệu âm thanh chuyên dụng. Yếu tố thứ hai cũng có ảnh hưởng không kém đó chính là mức lợi nhuận khổng lồ mà các dịch vụ âm thanh hi-res mang lại. Các định dạng hi-res mới được yêu thích do chúng có chất lượng cao hoàn toàn và được tận dụng triệt để từ sức mạnh phần cứng thiết bị của người dùng, không còn là các chuẩn hybrid up-sample như DVD-A, SACD hay SVCD gây tranh cãi như trong giai đoạn những năm 2000 trở về trước.
Một vài track âm thanh chuyên dụng dành cho giảng dạy và nghiên cứu âm thanh hiện nay được cung cấp bởi các đơn vị khoa học có uy tín gồm Open Multitrack Testbed, MedleyDB, Free Multitrack Download Library và the Structural Segmentation Multitrack Dataset. Các track này có chất lượng cao hơn nhiều so với SACD (Redbook), được phân phối với bản quyền miễn phí cho những ai có nhu cầu sử dụng cá nhân.