Thuật ngữ Damping Factor thực sự rất khó dùng ngôn ngữ tiếng việt để gẫy gọn nó trong 1 vài từ vì tiếng Việt không có thuật ngữ chuyên ngành nhiều cho nên có lẽ cũng cần phải hơi dài dòng 1 chút để hiểu hơn về nó.
Damping Factor được hiểu là thông số trên thiết bị khuếch đại Ampli nghe nhạc nó làm giảm quán tính dao động của màng loa Bass cụ thể hơn đó là việc tác động như để phanh lại sự rung động ngoài ý muốn của màng loa Bass giúp tiếng trầm không bị có đuôi (thuật ngữ của dân audio). Damping Factor sẽ được nhà sản xuất Ampli nghe nhạc thông báo trên mục thông số kỹ thuật của từng sản phẩm, thông số Damping Factor càng lớn đồng nghĩa với việc tiếng trầm càng chắc và gọn hơn.
Hãy để ý thông số Damping Factor trên các Ampli nghe nhạc của Accuphase sẽ thấy từ các dòng Ampli công suất thấp như Ampli Accuphase E-280 có Damping Factor là 500 và Ampli Accuphase E-800 có Damping Factor là 1000 với thông số này chúng ta có thể quyết định mua Ampli nào để nghe nhạc cho tiếng Bass tốt hơn, tất nhiên còn phụ thuộc yếu tố chúng ta ghép Ampli với những loại loa nào.
Để dễ hiểu hơn về nhân tố Damping Factor đó là khi Ampli truyền tín hiệu tới màng loa cụ thể là loa Bass lúc đó màng loa sẽ rung động để phát ra âm thanh trầm lan tỏa đến tai người nghe. Nếu 1 Ampli có thông số Damping Factor quá nhỏ sẽ khiến màng loa Bass rung 1 cách không kiểm soát nói cách khác đó là tiếng bass của âm trầm tiếp theo đã đến nhưng sự dao động của âm trầm trước đó vẫn chưa dừng được do quán tính màng loa không được Ampli kiểm soát. Một Ampli có Damping Factor cao nó sẽ chống lại được dòng điện rung động phản hồi ngược từ màng loa Bass trở lại Ampli, tóm lại Damping Factor trên Ampli nó không khác gì cái phanh nhằm cản trở những dao động thừa của màng loa Bass để giữ cho âm trầm hòa vào bản nhạc được chính xác hơn.
Để giải thích tỷ mỉ hơn về nguyên lý hoạt động của Damping Factor không đơn giản vì nó là chỉ số kỹ thuật chuyên nghành. Hiểu đơn giản nhất nguyên lý hoạt động của Damping Factor trên Ampli nghe nhạc chính là để giảm áp lực SPL tạo ra từ chuyển động của màng loa Bass can thiệp kịp vào quán tính của màng loa khi tín hiệu âm thanh ngừng.
Các chuyên gia lý giải việc tín hiệu âm thanh từ Ampli ra loa lúc đó màng loa sẽ dao động hoàn toàn không kiểm soát, từ trường của nam châm sau loa sẽ sinh ra 1 dòng điện áp được đặt tên là Back EMF (Electro Motive Force) nó tương tự như hoạt động của 1 Microphone, điện áp này sẽ chạy ngược trở lại Ampli và lại chạy trở lại loa gây ra chuyển động không mong muốn ở màng loa và tất nhiên là tiếng sẽ bị méo, damping factor có giá trị lớn sẽ triệt tiêu điện áp này.
Không có con số cụ thể nào để khẳng định thông số damping factor nào là tốt nhất vì nó phụ thuộc vào cách chế tạo Ampli của tùy mỗi nhà sản xuất, thí dụ như trên các Ampli Class A Damping Factor chỉ quanh ngưỡng 100 nhưng vẫn cho tiếng Bass rất uy lực và dứt khoát, ở các Ampli Class AB thông số Damping factor có thể từ 500 đến 1000 và ở Ampli Class D mặc dù damping factor có thể trên 1000 nhưng tiếng Bass lại rất thô, cứng cũng như tiếng Bass bị ồn.
Nếu để ý các dòng loa sản xuất trước đây và các dòng loa mới sản xuất hôm nay chúng ta sẽ thấy 1 sự khác biệt đó là loa thế hệ mới rất ít loa làm loa Bass đường kính lớn nhằm tránh hiệu ứng dao động không mong muốn từ nón loa Bass đường kính lớn, nhưng ngược lại củ loa và phần nam châm rất lớn, đặc biệt những đôi loa cho âm trầm chắc và uy lực thường có trở kháng thấp dưới 6 ohm đây là những yếu tố quan trọng để hạn chế damping factor.
Mặc dù Damping factor là thông số quan trọng quyết định đến chất lượng âm thanh đầu ra tuy nhiên khi chọn mua 1 sản phẩm âm thanh chúng ta cũng nên để ý tới vài yếu tố liên quan khác ví dụ như độ méo hài của âm thanh (THD), dải tần đáp ứng của sản phẩm và cả tiết diện dây loa cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát âm trầm trên màng loa Bass.
Đa số mọi người đi mua Ampli nghe nhạc thường chỉ để ý đến công suất đáp ứng của Ampli, người am hiểu kỹ thuật hơn chút thì để ý đến trở kháng đáp ứng, và đa số để ý nhất đến trọng lượng của Ampli mà ít ai biết rằng nhân tố damping factor mới là nhân tố mang đến sự hoàn hảo của âm thanh.
Thường bộ dàn âm thanh nghe nhạc khó nhất vẫn là điều trị làm sao cho tiếng Bass được sâu được uy lực và không bị ù rền. Nếu chúng ta biết được nhân tố damping factor ảnh hưởng lớn đến nền âm do loa Bass gây ra những âm thanh ngoài ý muốn thì việc mua sắm thiết bị của chúng ta sẽ gần với mong muốn hơn.
Qua bài viết Vinhstudio hy vọng quý vị và các bạn yêu âm thanh sẽ có thêm chút kiến thức về âm thanh cũng như kinh nghiệm chọn lựa thiết bị âm thanh sao cho phù hợp nhất để mang lại hiệu quả cao tránh việc mua đi bán lại nhiều lần mãi nhưng vẫn chẳng ưng ý.
VINHSTUDIO